Phúc Âm khá kín tiếng về thánh Giuse. Tổng cộng trước sau chỉ nhắc đến danh xưng của ngài 12 lần, trong đó một lần gọi ngài là “người công chính”. Nhưng chừng đó thôi cũng đủ để hình dung cốt cách, phong thái và bản lĩnh của con người thánh Giuse, từ trước khi về chung sống với Mẹ Maria, qua các biến cố tuổi thơ Chúa Giêsu, đến những thăng trầm của cuộc sống dưới mái nhà Nazareth. Thực ra, phẩm tính “công chính” theo nghĩa “công minh chính trực” thường được dùng để chỉ một mình Thiên Chúa (x. TV 70, 16), nhưng khi được nới rộng để định danh ai, thì cũng ám chỉ người ấy có cuộc sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Vậy thánh Giuse đã thể hiện sự công chính trong việc gắn bó với Chúa như thế nào?
1. Tuân giữ luật Chúa
Khi tuyển chọn dân riêng, Thiên Chúa cùng lúc ban cho họ giới luật như khuôn vàng thước ngọc, để từ đó người người được mời gọi tuân giữ cũng như dựa vào tiêu chuẩn ấy mà tổ chức cuộc sống của mình. Ai không sống theo luật, sẽ bị xem là người ở ngoài nhiệm cuộc xót thương tức là dân ngoại; ngược lại, ai tuân giữ luật Chúa và hết tâm uốn nắn đời sống theo khuôn thước lề luật, sẽ được chính lề luật gìn giữ bảo vệ đã đành, lại còn được trọng thị dưới mắt mọi người và được xem là công chính dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.
Người ta không biết gì về thuở thanh xuân của thánh Giuse, có chăng trong gia phả của Chúa Giêsu như một người thuộc hoàng tộc Đavít. Nhưng chính qua việc trăn trở nội tâm thuở đính hôn với Mẹ Maria, con người của ngài mới được hé lộ: Ngài là người tuân giữ luật Chúa trong tinh thần yêu thương. Sự công chính nơi ngài không dừng lại nơi việc tuân thủ cách hình thức và đúng mực theo quy định của luật, nhưng là thái độ tinh thần và con tim làm nền tảng định hướng cho mọi ứng xử. Nếu trong Thánh Vịnh, chân dung người công chính gắn bó với luật Chúa được diễn tả qua tâm tình yêu mến luật Chúa (x. TV 118, 97), coi luật Chúa quý hơn kho tàng châu báu ngọc ngà, thì thánh Giuse, thấm nhuần những tâm tình tương tự, chắc chắn đã yêu mến luật Chúa và tuân giữ luật ấy một cách nhuần nhị hòa quyện với thương yêu để được gọi là “người công chính”, người vui thú với lề luật Chúa đêm ngày (x. TV 1, 2).
2. Tuân nghe lời Chúa
Không có một lời nào của Thánh Giuse được ghi lại trong Phúc Âm. Ngài là con người của sự thinh lặng, không phải vì không có gì để nói hoặc không biết phải nói gì, nhưng đúng ra là vì luôn biết giữ cõi tâm bình lặng trong mọi biến cố lớn nhỏ cuộc đời. Trong vai trò làm trưởng gia đình, giữ được thái độ này đã là một nhân đức vừa nêu lên phong thái cá nhân vừa trở nên cột trụ vững chắc cho mọi thành viên khác trong nhà nương tựa; nhưng nơi thánh Giuse, sự thinh lặng trong nhịp sống đã trở thành điều kiện để ngài đi xa hơn trong tinh thần cầu nguyện và là tiền đề để ngài có thể lắng nghe tiếng Chúa.
“Ai yêu mến sự thinh lặng, sẽ được dẫn tới sự thinh lặng của mến yêu”, tác giả Philippon, OP. đã có lần viết lên như thế, và điều này xem ra ám hạp hoàn toàn với thánh Giuse. Vì yêu mến sự thinh lặng, thánh nhân đã đạt tới cao độ tĩnh lặng của mến yêu để từ đó có thể nghe được những lời thì thầm nhẹ nhàng nhất như những lời Chúa ngỏ với ngài trong đêm qua vị sứ thần. Nếu giấc ngủ là lúc tinh thần con người bỏ ngỏ không còn bị áp lực của công việc mà chỉ còn sự tỉnh thức, thì chính giữa giấc ngủ tĩnh lặng ấy, thánh Giuse đã sẵn sàng để khi lời Chúa đến, ngài lập tức nghe được không bỏ sót chi tiết nào. Người bình thường khó mà biện phân được đâu là cơn mơ đâu là hiện thực, còn thánh Giuse vì thường xuyên sống trong tĩnh lặng nên rất nhạy cảm với lời được ngỏ trong đêm và xác tín đó là lời của Chúa nên tỉnh thức lắng nghe.
3. Tuân hành ý Chúa
Không chỉ tuân nghe lời Chúa, thánh Giuse còn biểu lộ bản lĩnh công chính khi hết lòng tuân hành ý Chúa, không một chút hoài nghi, không cần thêm giải thích. Thực vậy, cuộc sống thánh Giuse bên cạnh Mẹ Maria và Chúa Giêsu có thể xâu chuỗi lại bằng ba lần sứ thần mộng báo và mỗi lần như thế là một mệnh lệnh đột ngột được đưa ra, nhưng thái độ đáp ứng của thánh nhân cũng mau mắn đến độ đột ngột không kém. Trong lần mộng báo đầu tiên, ý Chúa muốn thánh Giuse nhận Mẹ Maria về chung sống dẫu lúc ấy thai nhi Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần đã lớn dần trong lòng Mẹ; và thánh Giuse đã vui vẻ tuân hành để hình thành một gia đình đầm ấm. Trong lần mộng báo thứ hai, ý Chúa thúc giục thánh Giuse đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay trong đêm, tránh sự cuồng nộ sát hại của bạo chúa Hêrôđê; và thánh Giuse đã vội vã tuân hành để bảo toàn sinh mạng cho Con Trẻ. Còn trong cuộc mộng báo cuối cùng, khi hòa bình trở lại, ý Chúa gọi thánh Giuse đưa gia đình về lại quê nhà để định cư tại Nazareth; và thánh Giuse một lần nữa lại mau mắn tuân hành để tuổi thơ của Chúa Giêsu được bảo đảm giữa khung cảnh văn hóa tôn giáo của dân tộc mình.
Tuân hành ý Chúa là một chỉ số cho thấy sự công chính của người gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Thánh Giuse vui vẻ mau mắn tuân hành ý Chúa: ngài đích thực là người công chính.
Tóm lại, tuân giữ luật Chúa, tuân nghe lời Chúa và tuân hành ý Chúa, thánh Giuse đã thể hiện một cuộc đời công chính nổi bật trong Phúc Âm và bộc lộ một phong thái đạo đức đặc trưng của gia đình thánh. Trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, giáo phận chúng ta một mặt dâng tháng Ba với các việc đạo đức theo truyền thống Giáo Hội kính thánh Giuse, mặt khác xin thánh Giuse với kinh nghiệm sống gần gũi trẻ Giêsu giữa lòng thánh gia thất, chuyển cầu cho các gia đình công giáo hôm nay biết yêu mến gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, để cũng được phúc-âm-hóa từng ngày mà hạnh phúc tiến bước trong đức tin. Cách riêng, tháng ba cũng là tháng dành riêng cho các gia trưởng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho những người đang đảm đương trọng trách trong một gia đình, để họ biết theo gương thánh Giuse mà sống công chính và cũng được thánh nhân nâng đỡ mà chu toàn trách vụ bậc sống.
Ngày 01.01.2013, với sắc lệnh số 215/11/L của Bộ Phượng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Bí Tích, các Kinh Nguyện Thánh Thể đã nhắc tới danh xưng “Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” như một niềm tôn vinh và cũng như một lòng trông cậy. Xin thánh Giuse, bảo vệ chở che giữ gìn và chúc lành cho Hội Thánh giữa cuộc lữ hành đức tin và trong cuộc loan báo Tin Mừng.
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống.
No comments:
Post a Comment